Lịch sử Bóng đá nữ

Thời kì sơ khai

Phụ nữ có lẽ đã chơi "bóng đá" kể từ khi môn thể thao này bắt đầu xuất hiện từ xa xưa. Nhiều tài liệu và tranh vẽ đã chứng minh rằng phiên bản cổ đại của trò chơi (môn xúc cúc) được phụ nữ chơi vào thời nhà Hán (25–220 SCN).[4] Tuy nhiên có nhiều ý kiến tranh cãi về mốc thời gian trò chơi này xuất hiện, với niên đại xa nhất là vào những năm 5000 TCN.[5] Người ta cũng ghi chép lại những bằng chứng về sự tham gia của phụ nữ trong bóng đá. Ở Pháp, phụ nữ tham gia vào bóng đá các trò chơi dân gian từ thế kỷ 12. Các ghi chép về một trận đấu diễn ra thường niên tại khu vực Mid-Lothia của Scotland có lịch sử từ những năm 90 của thế kỷ 18.[6][7] Trận đấu đầu tiên được Liên đoàn bóng đá Scotland ghi nhận diễn ra vào năm 1892 tại Glasgow. Ở Anh, trận đấu bóng đá nữ đầu tiên được biết tới diễn ra vào năm 1895.[8][9] Trước đó vào năm 1863, các cơ quan điều hành bóng đá đã giới thiệu các luật lệ tiêu chuẩn nhằm chống lại bạo lực trên sân, điều giúp phụ nữ dễ được xã hội chấp nhận hơn khi chơi bóng.[8]

Thời kì hiện đại và sự cản trở

Giống như bóng đá nam, bóng đá nữ hiện đại khởi nguồn tại Anh Quốc. Vào năm 1881 Anh nhiều lần thi đấu với Scotland, dù vấn đề quốc tịch của cả hai đội tuyển là không rõ ràng và việc họ chơi bóng đá "thuần túy" hay là nửa bóng đá nửa rugby.[10] Scotland giành nhiều trận thắng hơn, nhưng nhiều trận trong số đó bị gián đoạn bởi khán giả tràn vào sân. Sự cố này khiến phải mãi tới năm 1889 mới có một trận đấu quốc tế được công nhận giữa Canada và chủ nhà Anh.[11]

Câu lạc bộ British Ladies' Football Club

Đội bóng nữ nổi tiếng đầu tiên được ghi nhận do bởi nhà hoạt động xã hội Nettie Honeyball thành lập tại Anh vào năm 1894 mang tên British Ladies' Football Club. Nettie Honeyball nói, "Tôi thành lập đội vào cuối năm ngoái [1894], với quyết tâm không đổi là chứng minh cho thế giới thấy rằng phụ nữ không phải là những kẻ 'chỉ để trang trí và vô dụng' mà người ta vẫn hay miêu tả. Tôi phải thừa nhận là mọi lý lẽ của tôi trong các vấn đề nơi mà sự phân biệt giới là vô cùng sâu rộng đều nghiêng về việc giải phóng nữ giới, và tôi mong có ngày phụ nữ có thể có chỗ trong nghi viện và có tiếng nói trong việc giải quyết các vấn đề, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới họ nhiều nhất."[12] Honeyball và những người như bà đã mở đường cho phụ nữ tới với môn thể thao. Tuy nhiên họ bị cản trở quyết liệt từ phía các liên đoàn bóng đá Anh Quốc, và phải tiếp tục con đường mà không được những người kia ủng hộ. Một trong các lý do của sự cản trở là từ việc người ta cho rằng những người như Honeyball muốn đe dọa "tính nam giới" của môn thể thao.[13]

Bóng đá nữ bắt đầu phổ biến rộng rãi vào thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ nhất, khi nền công nghiệp đẩy mạnh sự phát triển của môn thể thao nữ này, giống như những gì nó đã đem tới cho bóng đá nam 50 năm trước. Câu lạc bộ thành công nhất thời kì này là Dick, Kerr's Ladies của Preston, Anh. Câu lạc bộ này thi đấu trận quốc tế đầu tiên vào tháng 4 năm 1920, trước một đội bóng tới từ Paris, Pháp, và các cầu thủ của đội cũng đóng góp phần lớn trong đội hình đội tuyển nữ Anh đối đầu với đội Scotland Ladies XI cũng trong năm 1920, và giành thắng lợi tuyệt đối 22-0.[6]

Một đội bóng của xứ Wales chụp lưu niệm trước trận đấu vào năm 1959

Mặc dù có những lúc còn nổi tiếng hơn nhiều trận đấu của nam (từng có một trận đấu bóng đá nữ thu hút 53.000 khán giả tới xem),[14] bóng đá nữ Anh vẫn phải chịu sự trừng phạt vào ngày 5 tháng 12 năm 1921 khi FA cấm bóng đá nữ được phép thi đấu trên các sân vận động của các thành viên của Liên đoàn, với lý do trò chơi này (của phụ nữ) gây ra sự khó chịu.[15] Một số cho rằng lệnh cấm này được đặt ra vì sự ghen tị với lượng khán giả mà các trận bóng đá nữ thu hút được.[16] Điều đó dẫn đến sự thành lập của English Ladies FA (Hiệp hội Bóng đá nữ Anh) và các trận đấu được chuyển sang thi đấu trên các sân bóng bầu dục.[17][18][19] Một chiếc cúp bạc được tài trợ bởi chủ tịch hiệp hội, bà Len Bridgett, để làm giải thưởng cho giải đấu mang tên English Ladies' Football Association Challenge Cup. Tổng cộng 24 đội tham gia mùa giải đầu tiên vào mùa xuân năm 1922. Đội vô địch Stoke Ladies đánh bại Doncaster and Bentley Ladies 3-1 trong trận chung kết vào ngày 24 tháng 6 năm 1922.[20]

Vào tháng 8 năm 1917, trước khi lệnh cấm có hiệu lực, một giải đấu được tổ chức cho câu lạc bộ nữ công nhân ở các xưởng đạn dược ở miền đông bắc nước Anh với tên gọi chính thức là Tyne Wear & Tees Alfred Wood Munition Girls Cup hay The Munitionettes' Cup.[21] Đội đầu tiên đăng quang là Blyth Spartans, những người đả bại Bolckow Vaughan 5–0 trong trận chung kết đá lại tại Middlesbrough vào ngày 18/5/1918. Mùa giải thứ hai 1918–19 tiếp tục được tổ chức, lần này đội thắng cuộc là các cô gái của xưởng đóng tàu Palmer ở Jarrow sau khi vượt qua Hartlepool của Christopher Brown với tỉ số 1–0 tại sân St James' ParkNewcastle vào ngày 22/3/1919.[22]

Từ năm 1937, Dick, Kerr's Ladies thi đấu với Edinburgh City Girls tại giải Championship of Great Britain and the World (Giải vô địch bóng đá nữ Anh Quốc và Thế giới). Dick Kerr giành thắng lợi 2 lần vào năm 1937 và 1938 với cùng tỉ số 5-1. Tuy nhiên tại giải đấu tổ chức quy mô hơn vào năm 1939, Edinburgh City Girls lại là người chiến thắng trước Dick Kerr tại Edinburgh với kết quả 5-2. City Girls tiếp nối chiến quả trên bằng thắng lợi hủy diệt 7-1 trước Glasgow Ladies tại Falkirk để giành chức vô địch.[23]

Sự phát triển trở lại

Sau kì World Cup được tổ chức tại Anh năm 1966 Liên đoàn bóng đá nữ Anh được thành lập vào năm 1969,[24] và lệnh cấm của FA bị bãi bỏ vào năm 1971.[8] Cùng năm này, UEFA khuyến khích việc tổ chức thi đấu bóng đá nữ nên được đặt dưới sự kiểm soát của các liên đoàn thành viên ở mỗi quốc gia.[24] Trong thập niên 1970, Ý là quốc gia đầu tiên có cầu thủ nữ thi đấu bán chuyên nghiệp.[25] Vào năm 1985, đội tuyển nữ quốc gia Hoa Kỳ được thành lập[26] còn vào năm 1989, Nhật là nước đầu tiên có giải vô địch bóng đá nữ quốc gia bán chuyên nghiệp mang tên L. League vẫn tồn tại cho đến ngày nay.[27][28]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bóng đá nữ http://theworldgame.sbs.com.au/blog/2012/07/17/jap... http://emagazine.credit-suisse.com/article/index2.... http://www.fifa.com/aboutfifa/media/newsid=529882.... http://www.fifa.com/mm/document/afdeveloping/women... http://www.fifa.com/mm/document/fifafacts/bcoffsur... http://www.fifa.com/womens-football/index.html http://www.fifa.com/worldranking/rankingtable/wome... http://articles.latimes.com/2009/jul/10/sports/sp-... http://www.routledge.com/books/details/97804152633... http://www.rsssf.com/tablese/eur-women69.html